"Http://CaoDaiTN.BlogSpot.Com - Http://NguyenNha.Vnweblogs.Com

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

TÂM ( TƯ TƯỞNG ĐẠO GIA )

*.Cái từ trong tâm manh động phát ra thì gọi là tạo nghiệp, cái chi phối sự tạo nghiệp gọi là thiện ác. Cho nên phóng túng dục vọng là ác, đình chỉ tham lam là thiện. Điều thiện là ích lợi cứu giúp người đời và siêu thoát thế tục. Điều ác là tạo tác bại hoại đức hạnh và tiêm nhiễm cái xấu. Cho nên thánh nhân hiểu rõ một thứ tuy vô hình nhưng công dụng rất lớn, đó là tâm; và cũng hiểu rõ một thứ hữu hình nhưng không tự vận động được, đó là thân. Tất nhiên nếu tâm không gởi vào thân thì không thể hiện mọi công dụng; và thân nếu không nương nhờ tâm thì sẽ diệt vong, không khởi động được. Cho nên tâm và thân tuy thể khác nhau nhưng lý thì phù hợp, có thể tận dụng mọi điều tốt để hướng đến một mục tiêu. Do đó ngoài và trong hỗ tương tác dụng, động và tĩnh cùng phối hợp nhau. Thân không thể độc lập tồn tại, mà nó do tâm sai khiến. Tâm không an tĩnh là do dục vọng gây ra. Sức chịu đựng của thân thì vô hạn mà hành vi tạo tác thì không ngưng. Cho nên tâm là căn bản của phàm và thánh. Thân là chỗ hội tụ của khổ và sướng. Thánh nhân hiểu hoạ hoạn do tâm mà phát sinh, lỗi lầm là do bản thân tạo tác. Do đó thanh trừng tâm thì trừ được họa hoạn; làm thuần khiết ý chí thì hết lỗi lầm. Bọn người tầm thường thì không thế; họ phóng túng tình dục, không biết dục vọng phát sinh do tâm; họ kiêu căng ngạo mạn, không biết sự ngạo mạn là do bản thân tạo tác.

*.Không có gì quý bằng hư, không có gì tốt bằng tĩnh. Hư tĩnh là căn bản của vạn vật. Hư nên đủ để tiếp nhận mọi cái có thực, tĩnh nên đủ để ứng phó với mọi cái động. Cái gọi là cực chính là chỗ tột cùng mà mọi thứ bất đồng hội tụ. Cái gọi là đốc chính là chỗ tột cùng mà mọi thứ cố gắng truy cầu. Chí hư thì phải đến chỗ tột cùng, giữ an tĩnh thì cũng phải đến chỗ tột cùng, thế thì muôn hiện tượng dù phức tạp nhưng tâm ta vẫn thấu triệt, muôn sự biến đổi dù khác nhau nhưng tâm ta vẫn tĩnh lặng. Đó gọi là niềm vui của trời, không phải là người đắc đạo thì không thể có được niềm vui này.

*.Đạo lấy vô tâm làm thể, lấy vong ngôn (quên lời) làm dụng, lấy mềm yếu làm gốc, lấy thanh tĩnh làm cơ sở. Hãy tiết chế ăn uống, dứt tư lự, khi tĩnh tọa phải đều hòa hơi thở, ngủ yên để dưỡng nguyên khí, tâm không chạy rong thì tính an định, hình thể không lao nhọc thì tinh giữ vẹn, thần không ưu lự thì kim đan sẽ kết thành, sau đó diệt dục đến chỗ hư không, tinh thần sẽ rất an tĩnh. Tuy không ra khỏi cửa mà vẫn đắc đạo kỳ diệu.

*.Hãy đạt sự hư không tới cực độ, và giữ sự yên tĩnh rất kiên định. Vạn vật cùng sinh, ta nhân đó xem chúng trở về. Vạn vật trùng trùng đều trở về cội. Trở về cội là tĩnh; tĩnh là phục mệnh; phục mệnh tức là thường hằng. Biết thường hằng mới là sáng suốt. Không biết thường hằng sẽ làm càn và gây hung họa. Biết thường hằng sẽ bao dung; bao dung thì công chính không tư vị; công chính không tư vị  là vua; vua tức là Trời; Trời là Đạo; [hợp với] Đạo thì trường cửu, thân dù mất đi cũng chẳng nguy hại gì.

Thiền Định và Linh Hồn ( Sự thật về linh hồn ) "Video"

Đây là bài học quý cho chúng ta tham khảo ,học hỏi . Xin chân thành tri ân.

ĐẠO ĐỨC KINH - YỄM DỤC

Phiên âm:
1. Sủng nhục nhược kinh. (Quí) đại hoạn nhược* thân.
2. Hà vị sủng nhục nhược* kinh. Sủng vi (thượng, nhục vi) hạ. Đắc chi nhược* kinh, Thất chi nhược* kinh.
3. Hà vị (quí) đại hoạn nhược* thân. Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?
4. Cố quí dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả ký thiên hạ. Ái dĩ thân vi thiên hạ, nhược* khả thác thiên hạ.
Dịch xuôi:
1. Vinh, nhục cũng làm lo âu. Sở dĩ hoạn nạn là vì có thân.
2. Tại sao vinh, nhục đều làm lo âu? Vinh là ở ngôi cao, nhục là ở địa vị thấp. Được cũng lo, mất cũng lo. Vì thế nên nói: Vinh nhục đều lo.
3. Tại sao nói: «Hoạn nạn là vì có thân?» Ta sở dĩ phải lo âu nhiều, chính vì ta có thân. Nếu không có thân, ta đâu có lo !
4. Cho nên ai quí thiên hạ hơn thân mình, thì có thể đem thiên hạ giao phó cho, ai yêu thiên hạ hơn thân mình, thì có thể gửi gắm thiên hạ cho họ được.
BÌNH GIẢNG
Hai chương trên, Lão tử khuyên ta: (1) Phải sống hư tâm, khinh khoát. (2) Phải biết tiết dục, đừng mê mải chạy theo những thú vui giác quan.
Trong chương này, Lão tử tiếp tục khuyên ta: Đừng nên bận tâm vì công danh trần tục cũng như nên vươn lên khỏi đời sống phàm tục của tiểu ngã.
1. Không nên bận tâm vì công danh trần tục
Lão tử cho rằng công danh chỉ làm khổ con người.
Vinh cũng lo, cũng khổ.
Nhục cũng lo cũng khổ.

Mê tín - Chánh tín

Mê: Lầm lạc. Tín: tin, tin tưởng, đức tin. Chánh: đúng đắn.
Mê tín là tin tưởng một cách mù quáng, sai lầm.
Trái với Mê tín là Chánh tín.
Chánh tín là sự tin tưởng đúng đắn, chơn chánh.
Do đó, người có Chánh tín thì giữ đức tin được bền vững, còn người mê tín thì dễ mất đức tin.
Làm thế nào biết được đâu là chánh tín, đâu là mê tín?
Chánh tín là tin tưởng mạnh mẽ vào những giáo huấn của Đức Chí Tôn và các Đấng Tiên Phật trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Pháp Chánh Truyền, các Đạo Nghị Định, tin tưởng Tân Luật là Thiên điều tại thế, người tín đồ cứ do theo đó mà tu hành, nhứt định sẽ đạt được cứu cánh mong muốn.
Những điều giáo huấn và luật pháp ấy đều chơn thật và đúng đắn, mà chúng ta với trí não còn vô minh, chưa thể nhận biết rõ ràng, nên cần phải có lòng tin tưởng mạnh mẽ để noi theo và thực hành. Đó là Chánh tín.
Chánh niệm thuộc Chánh tín, vọng niệm thuộc Mê tín.
Những sự mê tín thường có tính cách vụ lợi cho cá nhân mình hay cho người đưa ra điều đó.
Thí dụ như việc cầu nguyện: "Cầu nguyện với Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, và các Đấng thiêng liêng ban cho mình phước lành để mình thoát khỏi tai nạn hay để làm ăn phát đạt, mau thăng quan tiến chức." Cầu nguyện như vậy là vọng niệm, là mê tín, bởi vì Đức Chí Tôn hay các Đấng đều phải giữ luật Công bình thiêng liêng, để cho luật Nhơn Quả tự nó thể hiện, chớ không thể tự ý muốn ban phước hay gieo họa ngoài luật Nhơn Quả được. Mọi việc đều gắn liền với luật Nhơn Quả, không bao giờ sai chạy.
Muốn là Chánh niệm hay Chánh tín thì chúng ta cầu nguyện: "Cầu nguyện Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu ban ơn lành cho nhơn sanh sớm giác ngộ tu hành."
Về việc cúng tế Thần linh, chúng ta nhớ câu trong sách Nho: "Thiên địa vô tư, Thần minh ám sát, bất vị tế hưởng nhi giáng phúc, bất vị thất lễ nhi giáng họa." Nghĩa là: Trời Đất không tư vị riêng ai, Thần linh sáng suốt ngấm ngầm xem xét, không vì hưởng sự cúng tế mà giáng ban cho phước lộc, không vì sự không cúng tế mà gieo cho tai họa.
Sự may rủi, tốt xấu, họa phước, đến với mỗi người đều là do luật Nhơn Quả thị hiện, tức là có nguyên do rõ rệt là những việc làm đạo đức hay hung ác của mình trước đây hay trong kiếp trước, nay nó báo đáp lại và thể hiện ra.
Luật Nhơn Quả không sai một mảy,
Gieo giống nào, giống ấy nẩy lên.
Trồng dưa thì hái dưa liền,
Tạo điều thất đức báo đền họa tai.