"Http://CaoDaiTN.BlogSpot.Com - Http://NguyenNha.Vnweblogs.Com

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

BÀN LUẬN VỀ VẤN ĐỀ ĂN CHAY TRONG TÔN GIÁO

                                                         ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ        
                                                             Tòa thánh Tây Ninh


BÀN LUẬN VỀ VẤN ĐỀ ĂN CHAY TRONG TÔN GIÁO
I.Ðịnh nghĩa:
Ăn chay, do chữ Hán là Trai, người Nam nói là Chay, Trai có nghĩa là thanh tịnh, sạch sẽ.
Ăn chay là ăn các loại thực phẩm phát xuất từ thảo mộc hay được chế biến từ thảo mộc. Thí dụ như: Rau cải, hoa quả, ngũ cốc, các loại đậu, tàu hủ, tương chao,....
Người ăn chay thường dùng nước chấm là nước tương, được làm bằng đậu nành hay xác đậu phọng. Do đó, người bình dân gọi ăn chay là ĂN TƯƠNG.
Ăn chay còn được gọi là ĂN LẠT. Ăn lạt không có nghĩa là ăn những món ăn lạt lẽo, mà nói như vậy để đối nghĩa với ĂN MẶN.
Ăn mặn không có nghĩa là ăn những món ăn được nêm muối cho mặn, mà là ăn các loại thực phẩm xuất phát từ động vật hay được chế biến từ thịt động vật. Thí dụ như: Cá, thịt, tôm, cua, sò, ốc, ba-tê, lạc xưởng,....
Vậy, ăn chay, ăn tương hay ăn lạt đều đồng nghĩa.II. Ăn chay hợp với luật Thiên nhiên.

1. Cấu tạo cơ thể con người:
Muốn biết cơ thể của con người thích hợp với việc ăn chay hay ăn mặn, chúng ta nghiên cứu các loài vật ăn thịt sống như: Mèo, cọp, cá sấu, và loài vật ăn thảo mộc như: Trâu, bò, ngựa, dê, khỉ,... rồi từ đó chúng ta suy gẫm ra con người, vì con người chỉ là loài tiến hóa cao cấp hơn thú cầm.

  • Loài vật ăn thịt thì phải có móng vuốt bén nhọn để vồ mồi, xé thịt, hàm răng cũng bén nhọn chơm chởm.
  • Loài vật ăn thảo mộc thì không có móng vuốt, không có hàm răng bén nhọn.
Như vậy, xét về mặt cấu tạo cơ thể của con người, chúng ta nhận thấy con người thích hợp với việc ăn thảo mộc và ngũ cốc hơn là ăn thịt loài động vật.
Mặt khác, xét về lịch sử tiến hóa của con người, con người xuất hiện sau thảo mộc và thú cầm, người nguyên thủy sống nhờ hái lượm, tức là nhờ ăn trái cây và ngũ cốc. Việc săn bắn thú vật lấy thịt làm thức ăn chỉ xảy ra sau nầy.
Do đó, con người ăn thảo mộc và ngũ cốc để nuôi sống cơ thể là hợp với luật Thiên nhiên.
2. Ðạm thảo mộc dễ tiêu hóa hơn đạm thú cầm:
Các nhà dưỡng sinh học nhận thấy rằng, chất đạm trong thịt thú vật khó tiêu hóa trong bao tử con người và lại mang nhiều chất độc hơn đạm thảo mộc rất nhiều. Người ăn thịt thú vật thường cảm thấy nặng bụng khó tiêu khi ăn no, và khi lớn tuổi thường bị xơ cứng động mạch, hay tắt nghẽn động mạch.
Trái lại, người ăn chay, ăn ngũ cốc và rau cải, dễ tiêu hóa hơn, động mạch dẻo dai hơn, thường cảm thấy khỏe khoắn trong người.
3. Các loại đậu bổ dưỡng hơn cá thịt:
Viện Vệ Sinh Dịch Tể Học Việt Nam đưa ra Bảng Phân tích thành phần hóa học của 100 gram thức ăn mỗi loại.
Xin trích ra sau đây một số thức ăn thường dùng để so sánh sự bổ dưỡng (tính bằng Calorie) giữa các thức ăn chay và mặn, tức là so sánh số năng lượng Calorie mà nó cung cấp cho cơ thể của chúng ta. (Bảng nầy trích trong sách: Phương pháp Dưỡng Sinh của Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng) 

TTThực phẩmÐạm (Protit)Chất béo (Lipit)Bột đường (Glucit)Calorie
cho 100g
5Khoai lang0,80,228,5122
6Khoai tây22194
7Củ cải3,128,5130
8Ðậu đen24,21,753,3334
9Ðậu trắng23,22,153,8335
10Ðậu nành3418,424,6411
11Ðậu xanh23,42,453,1336
13Ðậu phộng27,544,515,5590
1420,146,417,6586
15Tàu hủ10,95,40,798
31Thịt bò213,8121
32Thịt heo nửanạc nửamỡ16,521,5268
33Thịt gà22,47,5162
34Cá lóc18,22,7100
35Trứng gà14,811,60,05171
37Sửa bò tươi3,94,44,877

Thức ăn nào cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng (Calorie) thì được xem là thức ăn bổ dưỡng.
Theo Bảng Phân tích trên, so sánh giữa Ðậu nành và Thịt bò, chúng ta thấy:




  • 100 g Ðậu nành sản xuất 411 cal.
  • 100 g Thịt bò sản xuất 121 cal.
Vậy Ðậu nành bổ dưỡng hơn Thịt bò gấp 3,4 lần.
Nếu so sánh Ðậu phộng với Thịt bò, Ðậu phộng bổ dưỡng hơn Thịt bò gấp 4,8 lần.

Do đó trong "Vệ Sinh Yếu Quyết", Hải Thượng Lãn Ông có lời khuyên về sự ăn uống như sau:
" Vệ sinh ăn uống trước tiên,
Khuyên ăn thanh đạm, khuyên kiêng đậm nồng.
Ngũ tân dùng phải có chừng,
Ăn nhiều tán Khí, biết phòng mới hay.
Các mùi mặn, đắng, chua, cay,
Ăn nhiều sanh bịnh, chẳng sai đâu mà.
Ngọt nhiều cũng chẳng ích gì,
Tỳ chen, thận yếu, xương tê, tóc cằn.
Cao lương tích trệ sanh ung,
Thịt thà sinh béo, sinh đờm sinh giun.
Muốn cho ngũ tạng được yên,
Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau.
Ngô khoai, rau cháo hằng ngày,
Ấy mà khỏe mạnh hơn người cao lương.
CHÚ THÍCH:
Ăn thanh đạm: Ăn chay. Ngũ tân: 5 thứ cay là: Hành, hẹ, tỏi, kiệu, nén. Cao lương: Những món ăn ngon như thịt, cá.
Nhà Nữ Bác học White nước Anh nói rằng:
"Các thứ hột, các thứ trái cây, đậu và rau cải là những thức ăn mà thiên nhiên đã dành để nuôi sống chúng ta. Các thức ăn ấy nấu nướng một cách giản dị thì rất hợp vệ sinh và rất bổ, nó làm cho thân thể tráng kiện, tinh thần sáng suốt và tránh được nhiều bịnh tật."
III. Ăn chay đối với tín đồ Cao Ðài.

Về việc ăn chay, Ðức Chí Tôn giáng dạy như sau:
TNHT: "Chư môn đệ phải trai giới, vì tại sao?
Chẳng phải Thầy buộc các con theo Cựu luật, song luật ấy rất nên quí báu, không giữ chẳng hề thành Tiên,Phật đặng."
Do đó, tín đồ mới nhập môn vào Ðạo Cao Ðài chưa quen ăn chay, thì Tân Luật chỉ buộc ăn chay mỗi tháng 6 ngày.
Ăn mỗi tháng 6 ngày như vậy, trải qua 6 tháng thì quen rồi, người tín đồ cần phải tiến lên một nấc cao hơn là ăn chay mỗi tháng 10 ngày.
Tân Luật của Ðạo Cao Ðài qui định như sau:
- Ðiều thứ 12: Nhập môn rồi gọi là tín đồ.
Trong hàng tín đồ có hai bực:
1. Một bực còn ở thế, có vợ có chồng, làm ăn như người thường, song buộc phải giữ Trai kỳ, hoặc 6 hoặc 10 ngày trong tháng, phải giữ Ngũ Giới Cấm và phải tuân theo Thế Luật của Ðại Ðạo truyền bá. Bực nầy được gọi là người giữ Ðạo mà thôi, vào phẩm Hạ Thừa.
2. Một bực đã giữ Trường trai, Giới sát, và Tứ Ðại Ðiều Qui, gọi là vào phẩm Thượng Thừa.
- Ðiều thứ 13: Trong hàng Hạ Thừa, ai giữ Trai kỳ từ 10 ngày sắp lên, được thọ truyền Bửu pháp, vào Tịnh Thất có người chỉ luyện đạo.
Khi người tín đồ giữ được 10 ngày chay quen rồi, nên tiến lên một nấc nữa là ăn chay suốt trong 3 tháng âm lịch đặc biệt: Tháng giêng (Thượng nguơn), Tháng bảy (Trung nguơn), Tháng mười (Hạ nguơn). Ăn chay được như vậy thì tính ra trong một năm, ăn chay được 180 ngày, tức là ăn chay được nửa năm.
Sau đó cần tiến lên bực Thượng Thừa, ăn chay trường luôn thì rất tốt.
Do đó trong nghi thức tang lễ của các tín đồ ăn chay 6 ngày và ăn chay 10 ngày có khác nhau nhiều điểm:
Theo sách Quan Hôn Tang Lễ do Hội Thánh ban hành năm 1976:
a) Tang lễ của Chức việc, Ðạo hữu giữ thập trai trở lên:
Các Chức việc và Ðạo hữu, nếu giữ được 10 ngày chay trở lên hoặc trường chay thì được thọ truyền bửu pháp nên được:

  • Làm Phép Xác và Phép Ðoạn căn.
  • Làm lễ Tế điện theo nghi cúng vong thường.
  • Làm Tuần cửu, Tiểu Tường và Ðại Tường, bài thài theo hàng vong thường.
  • Dộng chuông tại Ðền Thánh hoặc Thánh Thất: người chết là Nam thì dôïng 7 tiếng, Nữ thì dộng 9 tiếng.
  • Cầu Siêu: Tụng bài Kinh Cầu Siêu (Ðầu vọng bái), tụng xen bài Kinh Khi Ðã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi), tụng 3 lần, xong niệm Câu Chú của Thầy 3 lần. Kế tiếp tụng Di Lạc Chơn Kinh.
b) Tang lễ của chư Ðạo hữu Nam Nữ giữ lục trai:
Những vị nầy không được thọ truyền bửu pháp, nên:

  • Không được làm Phép Xác và Phép Ðoạn căn.
  • Không được làm Tuần cửu, Tiểu Tường và Ðại Tường. Khi tới ngày nầy, thân nhân của người qui liễu đến Thánh Thất sở tại xin hành lễ cầu siêu.
  • Không được dộng chuông cảnh cáo tại Ðền Thánh hay tại Thánh Thất.
  • Cầu Siêu: Chỉ tụng bài Kinh Cầu Siêu (Ðầu vọng bái) và tụng Kinh Di Lạc thôi. Không được tụng bài Kinh Khi Ðã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi). Tụng Kinh Cầu Siêu 3 lần, dứt niệm Câu Chú của Thầy 3 lần.
  • Ðược làm lễ Tế điện theo nghi cúng vong thường.
IV. Ăn chay kỳ (Trai kỳ):

Ăn chay kỳ là chỉ ăn chay một số ngày nhứt định trong mỗi tháng âm lịch, còn những ngày khác thì ăn mặn.
Có hai trường hợp ăn chay kỳ:

  • Ăn chay mỗi tháng 6 ngày, gọi là Lục trai.
  • Ăn chay mỗi tháng 10 ngày, gọi là Thập trai.
1. Ăn chay mỗi tháng 6 ngày gọi là Nguơn Thủy Lục trai:
Có lẽ đây là luật ăn chay do Ðức Nguơn Thủy Thiên Tôn đặt ra cho Ðạo Tiên. Sáu ngày ăn chay nầy qui định theo âm lịch là: Mùng 1, mùng 8, ngày 14, 15, 23, và 30.
Tháng nào thiếu (không có ngày 30) thì ăn chay ngày 29 thế vào cho đủ số 6 ngày chay.
2. Ăn chay mỗi tháng 10 ngày gọi là Chuẩn Ðề Thập trai:
Có lẽ do Ðức Chuẩn Ðề Bồ Tát đặt ra cho Phật giáo.
Mười ngày ăn chay nầy qui định theo âm lịch là: Mùng 1, mùng 8, ngày 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30.
Tháng nào thiếu (không có ngày 30) thì ăn chay ngày 27 thế vào cho đủ số 10 ngày chay.
Theo Phật giáo, mỗi ngày chay trong tháng đều có một vị Phật hay Bồ Tát vân du đến cõi Ta bà nầy để kết duyên lành với chúng sanh. Nếu những ngày nầy, người ăn chay lễ bái cầu nguyện với vị Phật ấy thì sẽ được ban ơn lành và sức hộ trì.

  • Mùng 1: Nhiên Ðăng Cổ Phật.
  • Mùng 8: Dược Sư Lưu Ly Quang Phật.
  • Ngày 14: Phổ Hiền Bồ Tát.
  • Ngày 15: A-Di-Ðà Phật.
  • Ngày18: Quan Thế Âm Bồ Tát.
  • Ngày 23: Ðại Thế Chí Bồ Tát.
  • Ngày 24: Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.
  • Ngày 28: Ðại Nhựt Phật.
  • Ngày 29: Dược Vương Bồ Tát.
  • Ngày 30: Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ngoài những ngày ăn chay kỳ kể trên, tín đồ Cao Ðài được phép ăn mặn, nhưng phải tránh trực tiếp giết hại con vật để lấy thịt (Cấm sát sanh), chỉ nên ra chợ mua các loại thịt cá đã làm sẵn, đem về nấu ăn mà thôi. Các thứ thịt mua ở chợ đó, Phật giáo gọi là thịt trong sạch (thanh tịnh nhục).
Theo Phật giáo Tiểu Thừa, có 5 thứ thịt thanh tịnh được phép ăn, gọi là Ngũ Tịnh nhục, kể ra:

  1. Thịt ăn mà không thấy người giết con vật.
  2. Thịt ăn mà không nghe tiếng kêu la của con vật.
  3. Thịt ăn mà không nghi người ta giết cho mình ăn thịt.
  4. Thịt con thú tự chết.
  5. Thịt con thú khác ăn còn dư.
V. Ăn Chay trường (Trường trai):

Trường trai là ăn chay trường, tức là ăn chay hoài từ ngày nầy sang ngày khác.
Bực tu Hạ Thừa ăn chay kỳ, bực tu Thượng Thừa thì ăn chay trường. Ðức Chí Tôn có dạy như sau:
"Vì vậy, Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo. Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao giải tán cho được." (TNHT)
Trong Kinh Phật, có một đoạn Ðức Phật Thích Ca nói về việc ăn chay trường như sau:
"Khi còn tại thế, một hôm Ông A-Nan hỏi Phật:
- Bạch Phật, tại sao trước kia Phật cho các đệ tử ăn Ngũ tịnh nhục, mà nay Ngài lại cấm ăn thịt cá?
Phật trả lời Ông A-Nan:
- Vì trình độ của các ông trong buổi sơ cơ còn thấp kém (Tiểu Thừa) chưa thể lãnh thọ giáo pháp Ðại Thừa, thực hành đúng lý đặng, nên khi Ta nói pháp Tiểu Thừa, phương tiện cho các ông tạm dùng Ngũ tịnh nhục. Ðến nay, trình độ của các ông đã cao, lãnh thọ được giáo pháp Ðại Thừa, nên Ta cấm tuyệt ăn thịt cá. Nếu còn ăn các thứ ấy thì còn phạm giới sát sanh, nếu không trực tiếp sát thì cũng gián tiếp sát, làm mất hạt giống từ bi, không thể nào tu hành thành Phật được."
Vấn đề: Ngũ vị tân và trầu thuốc.

Ngũ vị tân, còn gọi là Ngũ huân, là 5 thứ có mùi cay, nồng và hôi, kể ra: Hành, hẹ, tỏi, kiệu, nén. (Theo Phật Học Từ Ðiển của Ðoàn Trung Còn).
Người tu bậc Thượng Thừa ăn chay trường có cử ăn Ngũ vị tân và cử trầu thuốc không?
Ðể giải đáp vấn đề nầy, chúng ta chia bực Thượng thừa ra làm hai nhóm:
1. Nhóm tu Thượng Thừa còn giữ nhiệm vụ phổ độ nhơn sanh:
Nhóm nầy còn hoạt động gần gũi nhơn sanh, đi đứng nhiều, giao tiếp nhiều, nên Luật Ðạo không bắt buộc cử Ngũ vị tân và cử ăn trầu hút thuốc. Tuy nhiên, nên cử Ngũ vị tân vì nó làm con người thêm nóng nảy, và cử trầu thuốc vì nó làm phiền toái và hại sức khỏe. Ðã là Chức sắc của Hội Thánh thì nên kiêng cử các thứ kể trên để làm gương tốt cho nhơn sanh.
2. Nhóm tu Thượng Thừa vào Tịnh Thất luyện đạo:
Nhóm nầy sống và làm việc theo giới luật chặt chẽ của Tịnh Thất. Trong Tân Luật, phần Tịnh Thất, Ðiều thứ 6 có ghi: "Nhập Tịnh Thất rồi phải tuyệt trầu thuốc và không được ăn vật chi ngoài mấy bữa cơm."
"Phải cử Ngũ huân (Ngũ vị tân). Lại tu cũng cần phải cử kiêng vật thực hằng ngày cho chính mới nên. Ðã biết ăn cho ngon miệng mới nuôi được thân phàm, song nuôi thân nầy cho béo mà hại đến linh hồn thì sao?
Bởi vậy, như loại Ngũ huân là loại ăn vô có thể làm cho yếu ớt linh hồn thì lẽ nào không cử?
Cử trầu thuốc:
Thậm chí những vật tầm thường như: thuốc, trầu, mà không bỏ tất cũng có hại cho Kim đơn đó." (ÐTCG)
Như vậy, trong Phép luyện đạo, ngoài việc ăn chay trường, còn cần phải cử tuyệt Ngũ vị tân và trầu, thuốc, vì các thứ ấy sanh ra các chất độc, lưu trữ trong Ngũ tạng Lục phủ nên khó cho việc điều tức và vận chuyển pháp luân.
Trong một đàn cơ ngày 16-1-1926, Ông Quí Cao giáng cơ gọi Ngũ vị tân là Ngũ kỵ, tức là năm thứ cấm kỵ không cho ăn bên Phật giáo. Ông Quí Cao nói rằng:

"Ngũ kỵ là: Hành, Tỏi, Sả, Ớt, Tiêu.
Theo Phật giáo thì kỵ, Tiên giáo thì không.
Phật vì tích Mục Liên Thanh Ðề gọi là uế vật, là phi.
Tiên đạo cho dùng các thảo mộc, chẳng kỵ vật chi." 
Trong quyển sách Thiên Ðạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu và Phan Trường Mạnh, có viết về việc ăn chay trường như sau:
"Trong Trời Ðất không có chi là tuyệt đối, thì sự ăn chay tất nhiên cũng không nên tuyệt đối.
Cái nguyên tắc của sự ăn chay là ăn toàn những chất thuộc thảo mộc, thì năm thứ: Hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu, gọi là Ngũ huân vẫn là thảo mộc.
Có cử chăng là những bậc công cao quả dày, tham thiền nhập định, vì nó có tính cách kích thích và thương tổn tinh thần. Người mới học đạo, cần phải lao động trong Trường công quả, thì chưa buộc phải kiêng cử, nhưng ai kiêng cử được cũng nên.
Vậy, việc ăn chay cũng như việc tu hành, không nên thái quá, mà cũng không nên bất cập."
VI. Ăn chay đối với các tôn giáo khác:

Bất cứ tôn giáo nào, giáo luật đều buộc tín đồ ăn chay: Ăn chay kỳ hoặc ăn chay trường.
Ðạo Cao Ðài đặt ra hai bực tín đồ, căn cứ vào số ngày ăn chay trong tháng: Bực Hạ thừa thì ăn chay kỳ 6 ngày hoặc 10 ngày, bực Thượng thừa thì ăn chay trường.
* Ðạo Phật Giáo Hòa Hảo: Bực Hạ thừa thì ăn chay kỳ mỗi tháng 4 ngày (14, 15, 29, 30), còn bực Thượng thừa thì ăn chay trường.
Ăn chay kỳ: ngày đầu (ngày 14) để cầu nguyện cho Tổ quốc; ăn chay ngày thứ nhì (ngày 15) để hiến cho Phật; ngày thứ ba (29) cho đồng bào; ngày thứ tư (30) cho bản thân.
* Ðạo Phật: Cũng chia ra 2 loại ăn chay: kỳ và trường.
Ăn chay kỳ: Nhiều bậc: - Hai ngày (1, 15). - Bốn ngày (1, 8, 15, 23). - Sáu ngày (1, 8, 14, 15, 23, 30). - Mười ngày (1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30), - Nhứt nguyệt trai là ăn chay suốt một tháng: ăn chay tháng giêng hay tháng 7. - Tam nguyệt trai là ăn chay 3 tháng: tháng giêng, tháng 7, tháng 10.
Ăn chay trường:
Trường hợp ăn chay trường mà lại phát tâm không ăn sau 12 giờ trưa thì gọi là Ngọ trai.
* Ðạo Thiên Chúa:
Kinh Cựu Ước có ghi rõ lời phán của Ðức Chúa Trời:
"Ðức Chúa Trời lại phán: Nầy, Ta sẽ cho các ngươi mỗi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh trái có hột, giống ấy sẽ là đồ ăn của các ngươi."
Như vậy, Ðức Chúa Trời đã nói một cách rõ ràng, bảo con người phải ăn chay, tức là ăn hoa quả ngũ cốc để sống, chớ không phải ăn thịt các loài thú vật. Việc ăn thịt thú vật xảy ra sau nầy là do nhơn ý.
Ðức Mẹ Maria hiện ra ở Fatima vào năm 1917 đã gởi Thông điệp đến Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã và toàn cả các tín đồ như sau:"Lạy Chúa Giêsu, việc này con xin vì lòng mến Chúa để cầu cho các tội nhân trở lại, và đền tạ những xúc phạm người ta đã gây ra cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.".
Với ba mệnh lệnh để cứu nhân loại và cứu linh hồn như sau:
1. Ăn năn đền tội, cải thiện đời sống
2. Tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ
3. Lần Chuỗi Mân côi
Điều đó với ý nghĩa là:
"Loài người phải ăn chay trường, tuyệt dục và bố thí."
"Nếu Ðức Giáo Hoàng đương kim là PhaoLồ IV chỉ thị và chính Ngài ăn chay trường thì thế giới đương nhiên hòa bình, bởi tín đồ Thiên Chúa Giáo sẽ nghe theo lời Ngài mà trường chay tất cả thì tình thương sẽ lan tràn cả thế giới."
* Ðạo Hồi: Hồi giáo cũng buộc tín đồ ăn chay. Trong 5 điều chính làm nền tảng cho Giáo lý Hồi giáo thì điều thứ 3 ghi: Phải ăn chay vào tháng 9 theo lịch Hồi giáo, gọi là Ramadan.

VII. Mục đích và ích lợi của ăn chay:

1. Ăn chay thì giữ được Ngũ Giới Cấm dễ dàng.
Ngũ Giới Cấmlà giới luật rất quan trọng đối với người tu ở bực Thượng thừa. Không giữ tròn Ngũ Giới Cấm thì không thể đắc đạo được.
Người ăn chay trường thì giữ được Ngũ Giới Cấm tương đối dễ dàng, bởi vì:
- Ăn chay trường thì rõ ràng tránh được sát sanh trong sự ăn uống. Ðã không nỡ giết hại sanh vật để ăn thịt thì cũng đâu nỡ giết chúng để làm trò chơi. (Bất sát sanh)
- Hễ không ăn thịt thì cũng dễ cử rượu, vì rượu thịt luôn luôn đi kèm nhau như bóng với hình.(Bất tửu nhục)
- Không ăn thịt và uống rượu thì lòng dục lắng xuống, nên không nghĩ đến việc tà dâm, phá hại gia cang của người. (Bất tà dâm)
- Nhờ ăn chay trường mà lòng tham vật chất không có cơ hội nẩy nở. Ðã tu rồi thì còn cầu chi tiền tài, của cải, vì khi chết, linh hồn đâu có đem theo được các thứ vật chất đó, chỉ đem theo công đức và tội lỗi mà thôi. Do đó việc trộm cướp hay gian lận tài vật rất ít khi xảy ra. (Bất du đạo)
- Nhờ ăn chay trường mà tâm hồn trở nên thanh cao, tránh được việc nói dối lường gạt người, gây đau khổ cho người mà đem lợi lộc về cho mình. (Bất vọng ngữ)
2. Ăn chay để thanh lọc bản thể, tinh khiết chơn thần:
Những vật thực ăn mặn là huyết nhục của các loài động vật nên chỉ bổ dưỡng cho thể xác con người, vì thể xác con người cũng là huyết nhục.
Các vật thực ăn chay là rau đậu, trái cây, ngũ cốc; các thứ nầy nhờ hấp thụ trực tiếp ánh sáng mặt trời, dưỡng khí, đạm khí của không khí, lại hấp thụ các chất khoáng trong lòng đất, nên các vật thức ăn chay có hai tác dụng bổ dưỡng:
- Bổ dưỡng xác thân nhờ những chất khoáng hấp thu trong đất và đạm khí trong không khí.
- Bổ dưỡng chơn thần nhờ hấp thu ánh sáng và dưỡng khí.
Như thế, chúng ta phải nhìn nhận rằng, với chế độ ăn chay đầy đủ gồm nhiều rau đậu và trái cây, ăn chay rất tốt so với ăn mặn, vì nó bổ dưởng cả hai mặt: Thể xác và Chơn thần.
Người ăn chay trường lâu năm thì tạo được vừng hào quang trong sáng nơi đỉnh đầu, chơn thần cũng được trong sáng, tinh tấn, nên nhẹ nhàng hơn không khí. Ðến kỳ thoát xác, chơn thần xuất ra khỏi thể xác một cách dễ dàng và bay khỏi bầu không khí, đến các cõi thiêng liêng.
Người ăn mặn thì chơn thần mờ tối, trọng trược, vì ăn huyết nhục của thú cầm, nên nặng nề, không thể bay thoát khỏi bầu khí quyển được.
Thánh ngôn của Ðức Chí Tôn dạy rõ rằng:
"Nó (chơn thần) vẫn là chất tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà trong khí Tiên Thiên thì hằng có điển quang. Cái chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch, mới nhẹ hơn không khí, ra khỏi ngoài Càn khôn đặng.
Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật, mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.
Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết.
Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng. Như rủi bị huờn thì đến khi đắc đạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điển, thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt.
Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc Nhơn Tiên thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vì vậy mà Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo." (TNHT)
Bát Nương giáng cơ giải về cõi Âm Quang, cho biết rằng: Muốn qua khỏi cửa Âm Quang thì phải ăn chay trường.
TNHT: "Ấy là một cái quan ải, các chơn hồn khi qui Thiên, phải đi ngang qua đó. Sự khó khăn bước khỏi qua đó là đệ nhứt sợ của các chơn hồn. Nhưng tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người, cũng nhờ cái sợ ấy mà lo tu niệm. Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tùy chơn thần thanh trược.
Chí Tôn buộc trường trai cũng vì cái quan ải ấy."
3. Ăn chay là luyện tập Bi, Trí, Dũng:
- Loài vật nào cũng biết ham sống sợ chết như người, biết chỗ nguy hiểm thì tránh né hay trốn chạy để bảo tồn sự sống. Khi sắp bị giết chết, chúng biết sợ sệt và rên la đau đớn.
Không giết hại chúng nó để ăn thịt là thể hiện lòng thương yêu, đức tánh từ bi. Do vậy, việc ăn chay là để tập cho tánh BI càng ngày càng phát triển.
- Khi ăn chay, chúng ta mới sáng suốt nhận định rằng, loài thú vật cũng được Thượng Ðế ban cho nó sự sống như con người, nó chỉ là đàn em kém tiến hóa hơn con người mà thôi. Sau nhiều lần chuyển kiếp, chúng nó cũng sẽ tiến hóa lên thành người như chúng ta.
Do đó, không giết hại chúng là để phát triển đức tánh sáng suốt trong con người chúng ta, tức là phát triển thể TRÍ.
- Trước sự hấp dẫn của các món rượu thịt thơm ngon, cũng như sự mời mọc nài ép của bạn bè, ta can đảm từ khước, tức là ta có hùng tâm dũng chí, không để dục vọng thấp kém lôi kéo. Như vậy, ta có được cái DŨNG.
Vậy, sự ăn chay là để phát triển ba đức tánh: BI, TRÍ, DŨNG trong con người chúng ta, để cuối cùng, ba đức tánh nầy phát triển rực rỡ và cao tột thì đắc thành Phật vị.
4. Ăn chay là để tránh quả báo luân hồi:
Việc giết hại mạng sống của con vật tạo thành một ác nghiệp. Sau nầy, hồn của con vật ấy sẽ đòi chúng ta phải trả món nợ sát mạng đó, và theo luật công bình thiêng liêng, chúng ta phải luân hồi tái kiếp đền trả mối nợ oan nghiệt ấy.
Còn việc ăn chay, tuy cũng có giết hại mạng sống loài thảo mộc, nhưng tội nầy nhẹ hơn nhiều so với việc giết hại thú vật, vì loài thảo mộc kém tiến hóa rất nhiều so với thú cầm.
Hơn nữa, việc sát hại thảo mộc để nuôi sống xác thân của chúng ta, được chúng ta đền trả lại bằng xác thân của chúng ta khi chết. Khi chết, xác thân của chúng ta được vùi chôn trong lòng đất, rồi dần dần sẽ tan rã thành những chất bổ dưỡng nuôi sống thảo mộc. Khi sống thì ta ăn thảo mộc, khi chết thì thảo mộc ăn lại xác thân ta. Thế là hòa, không ai nợ ai.
Như vậy việc ăn chay giúp chúng ta không mắc nợ oan nghiệt, mà không mắc nợ oan nghiệt thì khỏi phải luân hồi.
5. Ăn chay để kềm chế Lục dục Thất tình:
Ăn chay, ăn những thức ăn thanh đạm, không chứa máu thịt của loài động vật, nên làm dịu bớt bầu máu nóng trong người, dục vọng nhờ đó cũng giảm bớt cường điệu.
Lục dục và Thất tình lúc nào cũng đòi hỏi xác thân làm cho chúng nó thỏa mãn, nhưng nhờ ăn chay, chúng ta có thể kềm chế nó và rèn luyện nó hướng tới mục đích thanh cao.
Thay vì chúng ta muốn giết một con gà để làm thành món ăn khoái khẩu, chúng ta nên lấy thức ăn thích hợp của gà rải cho nó ăn, để chúng ta nhìn nó đang sung sướng vui vẻ vì khoái khẩu. Chúng ta nhìn cái vui và cái sung sướng của con gà để chúng ta có được cái vui mừng cao thượng của kẻ ban ơn.
VIII. Giải đáp một số câu hỏi về ăn chay.

1) Ăn tôm, cua, sò, ốc được kể là ăn chay không?
Có một số người tu mà chưa kềm chế được tánh háu ăn, nên bày ra cái trò cho rằng ăn chay thì được ăn các loài tôm cua sò ốc, vì các loài nầy có máu trắng, không phải máu đỏ.
Ðạo Cao Ðài hay bất cứ một tôn giáo nào khác trên thế giới đều không có một điều luật nào cho phép ăn chay kỳ dị như thế. Ðó chẳng qua phàm tâm xúi giục làm mờ ám lương tri.
Ăn tôm cua sò ốc, tức là ăn thịt các loài động vật. Chúng nó cũng có sanh mạng và sự sống. Phải bắt giết chúng nó thì mới ăn thịt được, rõ ràng ta phạm tội sát sanh, sao lai bảo là ăn chay? Sao lại còn ngụy biện rằng chúng nó có máu trắng, không có máu đỏ? Máu trắng không phải là máu sao?
Người tu hành chơn chánh cần phải lên án gắt gao những hành động hại đạo, phá đạo kiểu ấy, để người đời thấy rõ ai là người tu chơn thật, ai là tu giả dối, ai lợi dụng màu sắc tôn giáo để tạo lợi riêng cho cá nhân.
2) Ăn chay có được dùng bơ, sữa, hột gà không?
* Về bơ (Beurre) và phô-ma (Fromage), ta phân biệt hai loại: Bơ thực vật và bơ động vật.
- Bơ thực vật (Beurre végétale) làm bằng các chất béo của thực vật như đậu phộng, dừa, ca cao. Bơ thực vật là thức ăn chay hoàn toàn, người ăn chay trường dùng rất tốt.
- Bơ động vật (Beurre animale) là loại bơ được chế tạo từ sữa bò, sữa trâu, sữa dê. Ðây rõ ràng là thức ăn mặn.
* Về sữa, cũng có hai loại:
- Sữa động vật như sữa bò, sửa dê,.... thì chúng thuộc về nhóm thức ăn mặn.
- Sữa đậu nành, đậu xanh hay đậu phộng thì hoàn toàn là thức ăn chay.
Vấn đề bơ và sữa như vừa trình bày trên là nói một cách tuyệt đối theo đúng định nghĩa ăn chay và ăn mặn. Tuy nhiên, trong điều kiện tương đối phổ biến, chúng ta nhận thấy rằng, bơ và sữa động vật có được là do vắt bầu sữa của con bò hay dê, chớ không phải do sự giết chết con bò hay con dê. Do đó, bên Phật giáo vẫn cho phép dùng bơ và sữa làm món ăn chay.
Nó có nguyên nhân xa xưa là hồi Thái Tử Sĩ-Ðạt-Ta từ bỏ lối tu khổ hạnh, chuyển qua lối tu trung đạo, Ngài kiệt sức, bất tỉnh, nằm chết giấc dựa cội cây bồ đề. Có một thiện nữ được báo mộng trước, hôm ấy chuẩn bị bình bát sữa tìm đến cội bồ đề, cúng dường cho Phật. Khi Phật tỉnh lại, Phật cầm bình bát sữa uống cạn, nhờ vậy, Phật dần dần phục hồi sức khỏe.
Việc dùng bơ sữa động vật không vi phạm giới cấm sát sanh, nhưng đứng về phương diện thanh và trược thì chúng ta đều nhận rằng, bơ sữa động vật trược hơn bơ sữa thảo mộc.
- Về trứng gà, trứng vịt, trứng cút:
Nếu trứng không trống, thì khi ta dùng không phạm tội sát sanh, nhưng trứng vẫn là chất trược tuy ít, vẫn không làm chơn thần chúng ta trong sáng và thanh nhẹ.
Nếu các loại trứng có trống, tức là có chứa sẵn một mầm sống trong đó, để theo thời gian sẽ phát triển thành một sinh vật mới, khi chúng ta dùng chúng làm thức ăn, tức là chúng ta sát hại mầm sống ấy, ắt phạm tội sát sanh.
Ðối với những vị đang lập công trong Trường thi công quả, việc ăn chay trường không nên quá bảo thủ khắt khe, nhứt là những khi đau ốm, cần phải phục hồi sức khỏe mau chóng để lo làm công quả, thì việc dùng thêm các loại bơ, sữa động vật, hay các loại trứng không trống, là một điều có thể thông cảm được vì không phạm giới sát sanh, nhưng chúng ta vẫn nhớ rằng các thức ăn ấy có chất trược, không tốt cho chơn thần.
Một điều mà chúng ta cần lưu ý là việc ăn chay là hành động tự giác tự nguyện vì lợi ích cho bản thân của chúng ta, chớ không phải lợi ích cho Ðức Chí Tôn hay Phật Mẫu.
3) Ăn chay trường có thành Tiên, Phật không?
Nếu chỉ có ăn chay trường mà không làm công quả thì không thể thành Tiên, Phật đặng. Người ăn chay trường ấy, khi chết, chơn thần và linh hồn được trong sạch nhẹ nhàng và được siêu thăng lên các cõi Trời, hưởng sự an nhàn, nhưng không có ngôi vị là Tiên, hay Phật.
Muốn thành Tiên, Phật thì buộc phải có công quả.
TNHT: "Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật, muốn cho đắc đạo phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo."
Muốn có công đức thì phải thực hành Tam Lập: Lập Ðức, Lập Công, Lập Ngôn. Trong Lập Công có: Công phu, Công quả, Công trình.
Việc ăn chay trường chỉ tạo được chơn thần trong sáng, việc làm công quả mới đắc thành Tiên, Phật.
Nhưng ngược lại, nếu có đầy đủ công quả mà không ăn chay trường thì cũng không thể thành Tiên, Phật được, vì chơn thần trọng trược không thể bay khỏi bầu khí quyển mà lên cõi thiêng liêng. Hơn nữa, vì ăn mặn nên còn bị các con vật đòi món nợ oan nghiệt, nên chúng nó buộc chặt chơn thần người đó không cho bay lên cõi TLHS.
Cho nên, muốn đắc thành Tiên Phật thì phải có đủ hai điều kiện: 1.- Ăn chay trường. 2.- Ðầy đủ công quả.
4) Ăn chay thì thanh, ăn mặn thì trược, tại sao?
Có nhiều nguyên do, kể ra sau đây:
a.- Về cấp tiến hóa: Thảo mộc ở cấp tiến hóa thấp hơn động vật, chỉ có Sanh hồn; còn động vật thì ở cấp tiến hóa cao hơn, có được hai phần hồn là: Sanh hồn và Giác hồn. Do đó, loài động vật khi đau đớn biết rên la, khi sợ hãi biết chạy trốn.
b.- Về sự sinh sản và di truyền nòi giống: Loài thảo mộc có nhị đực và nhị cái ở trên cùng một cái hoa hay trên cùng một thân cây, nhờ ong bướm hay gió thổi mà nhị đực rơi vào nhị cái, kết thành trái và hột để di truyền nòi giống.
Loài động vật thì con đực và con cái là hai thân thể khác nhau, chúng có lòng dục nên tìm gặp nhau giao phối, để sanh sản. Khi sanh sản thì máu huyết tiết ra dơ dáy.
Do đó, loài động vật thuộc về Hậu Thiên Cơ Ngẫu nên trọng trược; còn loài thảo mộc thuộc về Tiên Thiên Cơ Ngẫu nên thanh nhẹ.
c.- Về sự sinh sống: Loài thảo mộc sống nhờ hấp thu ánh sáng mặt trời và hấp thu các tinh chất từ trong đất, nên thảo mộc chứa nhiều sinh tố và khoáng chất.
Loài động vật sống nhờ ăn thảo mộc hay ăn thịt lẫn nhau, nên thịt của chúng chứa ít sinh tố và lại có chất độc.
Do đó, chúng ta ăn loài thảo mộc thì vừa bổ dưỡng chơn thần vừa bổ dưỡng thể xác, còn ăn thịt thú cầm thì chỉ bổ dưỡng thể xác mà lại làm cho chơn thần ô trược.

1 nhận xét:

  1. bài viết rất hữu ích,mình cũng chia sẽ thêm bài viết Ăn chay có được ăn trứng không hy vọng nó cũng sẽ hữu ích

    Trả lờiXóa