ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
                                       TÒA THÁNH TÂY NINH


                                        

                                                   
                            "LÝ ĐẠI TIÊN TRƯỞNG KIM GIÁO TÔNG  ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ "                                                   ( Ngồi Hàng Giữa,Thứ Ba Từ Dưới Lên )
 I/- LÝ BẠCH (Li Tai Pé)
 

Lý Thái Bạch hiệu là Thanh Liên Cư sĩ, cháu chín đời vua Lương Vũ Đế. Thân mẫu ông nằm mộng thấy sao Thái Bạch sa vào lòng mà sinh ra ông dười đời Đường Minh Hoàng (713-756).
Lý Bạch người thanh tao, mới mười tuổi đã tinh thông sử sách, miệng thốt thành thơ. Thế nên, người đời coi ông là Thần Tiên giáng thế nên gọi là Lý Trích Tiên. Tính ông ưa ngâm vịnh, thích tiêu dao nơi non xanh nước biếc và mong ước uống mọi thứ rượu ngon trong đời. Khi nghe rượu Ô, Trình ở Hồ Nam rất thơm ngon. Ông quyết vượt đường xa đến quán rượu. Ông vừa uống vừa ngâm thơ. Bỗng có quan Tư Mã Cao Diệp đi ngang nghe tiếng cho lính vào quán hỏi. Ông ứng khẩu đọc một bài thơ :
    Thanh Liên Cư sĩ Trích Tiên nhân, Tửu tứ đào danh tam thập xuân. Hồ Châu Tư mã hà tu vấn, Kim Túc Như Lai thị hậu thân, Thanh Liên Cư sĩ Trích Tiên đây, Dẫu tiếng ba mươi năm tỉnh say. Tư mã Hồ Châu sao phải hỏi, Như Lai, Kim Tích hiện thân nầy.
Nghe xong, Tư Mã mừng rỡ vô cùng vì biết Lý Trích Tiên ở Tây Thục, người mà ông hằng mến mộ. Ông bèn mời về nhà giữ lại mười ngày uống rượu ngâm thơ. Tư Mã nhắc nhở ông có văn tài nên về Trường An ứng thí lập công danh. Lý Bạch thuận lời, đi ngay Trường An.
Khởi đầu, ông làm quen với Học sĩ Hạ Tri Chương. Nhờ văn chương mà hai người thành tri kỷ. Họ Hạ mời ông về nhà và kết nghĩa anh em rồi cùng ngao du sơn thủy, ngâm thơ uống rượu.


Đến kỳ thi, họ Hạ biết ông không tiền lo lót quan trường nên họ Hạ chỉ biên thơ gởi gắm tới chủ khảo Thái sư Dương Quốc Trung, tức anh Dương Quý Phi và giám thị là Thái úy Cao Lực Sĩ. Hai ông này cho họ Hạ đã lấy vàng bạc của Lý Bạch rồi viết thơ nhờ cậy, nên thấy quyển của Lý Bạch là đánh rớt.
Lý Bạch bị hỏng thi nên thề rằng : "Sau nầy làm nên, quyết bắt Dương Quốc Trung mài mực và Cao Lực Sĩ cổi giày cho hả giận" vì hai ông này chê học Lý không đáng mài mực và cổi giày cho họ ( Theo Kim Cổ Kỳ Quan của Phùng Mộng Long ) . Trong thời thịnh nhất của triều đại nhà Đường, Minh Hoàng tiếp sứ thần Triều Tiên, họ dâng vua một quốc thư râùt quan trọng, không một vị đại thần nào đọc được. Vua nổi giận :"Bấy nhiêu đại thần, học sĩ, tướng quân mà để trẫm chịu nhục như vầy sao ? Nội trong ba ngày, các khanh không đọc nổi bức thư này sẽ bị cách chức hết". 
Các đại thần bàn bạch với nhau, lo sợ cho cái địa vị và cái đầu của mình. Sau cùng, Hạ Tri Chương tâu lên vua "Thần biết có một thi sĩ rất có tài, họ Lý học rộng về nhiều môn. Xin bệ hạ ra lịnh mời ông ấy đến đọc thư chắc được, không gì là ông ấy không biết". Minh Hoàng ra lịnh mời Lý vô ngay triều. Mới đầu Lý từ chối không đọc thư đó được vì mới bị đánh hỏng kỳ thi Hội vừa rồi. Nhà vua an ủi, ban ngay cho Lý chức Trạng Nguyên ( WILL DURANT , Lịch sử Văn Minh Trung Quốc, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê 1972. ). Vua biết Lý Bạch thích rượu nên truyền ban yến tiệc tại điện Kim Loan. Đến sáng hôm sau, ông còn say. Vua phải tự tay cầm chén yến nóng cho ông quì mà ăn, một lúc sau mới tỉnh. Khi sứ Triều Tiên vào chầu, Lý Bạch cầm phiên thư đọc to không sai một chữ. Ông sứ bảo rằng "Trong thư này, Khả Độc (vua Phiên) có vẻ vô lễ, nhưng Hoàng Đế đại lượng tha thứ, sẽ có chiếu đáp lại, ngươi phải đợi trước sân rồng".
Vua đã kê sẵn giường thất bảo, trãi nệm gấm, có bày nghiên ngọc bút ngàn, mực long yên, giấy kim hoa để Lý Bạch ngồi thảo chiếu. Nhưng ông trù trừ nên vua hỏi ông còn muốn gì. Lý Bạch tâu :
-Khoa thi vừa qua, hạ thần bị quan chủ khảo Dương Quốc Trung vất quyển, quan giám thị cao Lực Sĩ đuổi ra ngoài. Nay thấy hai người ấy, hạ thần nhớ đến cái nhục nên khó viết thành văn. Vậy, xin bệ hạ gia ân, truyền cho Dương Quốc Trung mài mực, cao Lực Sĩ cổi giày cho hạ thần thì hạ thần thảo chiếu mới hay.
Vua đành phải y lời họ Lý. Chỉ trong khoảnh khắc, Lý Bạch viết xong chiếu trình vua ngự lâm. Vua rất mừng, sai nội thị giao cho sứ Triều Tiên. Khi ra khỏi cửa Ngọ môn, sứ thần hỏi Hạ Tri Chương về Lý Bạch. Họ Hạ đáp " Đó là một vị Thần Tiên giáng trần để giúp vua Đường nên các đại thần phải hầu hạ". Nhờ câu nói đó, mà vua Phiên thần phục triều cống như trước.
Từ đó, vua càng quí trọng Lý Bạch, muốn ban cho quyền cao chức trọng, vàng bạc gấm vóc đều bị ông từ chối. Một hôm, ông đang cưỡi ngựa ngao du, bỗng gặp một toán lính giải tên tử tù. Ông hỏi ra mới biết là Võ quan ở biên giới là Quách Tử Nghi. Ông thấy Nghi diện mạo khác thường, nghĩ Nghi sẽ giúp cho nước về sau, nên xin vua tha tội chết cho Nghi.
Trong cung nhà Đường có trồng được bốn màu hoa mộc thược dược sắc đẹp hương thơm. Vua và Dương Quí Phi ra đình Trầm Hương thưởng ngoạn. Vua sai nhạc trưởng Lý Qui Niên tìm Lý Bạch để đặt bài hát mới. Khi đến quán rượu, Niên thấy ông say mềm mà hát nghêu ngao :
    Tam bôi thông Đại Đạo, Nhất đấu hợp tự nhiên. Đãm đắc tửu trung thù, Vật vị tỉnh giả truyền Ba chén thông Đại Đạo, Một đấu ngủ tự nhiên Chỉ thích rượu làm thú, Người tỉnh mấy ai truyền.
Lý Qui Niên không sao mời được, phải đỡ ông nằm trên lưng ngựa à đưa vào lầu Ngũ Phượng. Chính vua phải cầm khăn chùi dãi cho Lý Bạch, rồi sai cung nữ vẩy nước lạnh vào mặt cho ông tỉnh lại. Vâng lịnh vua, ông viết một mạch ba bài theo khúc hát Thanh bình điệu.
    BÀI 1 Áo tựa như mây, mặt tựa hoa, Long lanh xuân sớm gió xuân qua. Nếu không người ở non Quần ngọc, Cũng khách Dao đài dưới bóng nga.
    BÀI II Sương đọng đầu cành hương ngát đưa Vu Sơn luống xét kẻ mây mưa, Ngày nay ướm hỏi người cung Hán Phi Yến tân trong dễ sánh chưa.
    BÀI III Khéo thay sắc nước sánh hương trời, Đã xứng quân vương một nụ cười. Tan nước gió xuân nghìn nỗi hận, Đình Trầm muôn vẻ dựa hiên chơi. (Bùi Khánh Đàn và Đỗ Bằng Đoàn dịch )
Được nhà thơ vịnh như vậy, ai mà không thích. Nhưng Cao Lực ĩ muốn trả thù Lý Bạch mới tâu với Dương Quý Phi rằng "Khả lân Phi Yến ỷ tân trang là ám chỉ Phi Yến là Hoàng hậu vua Hán mà con tư thông với Yên Xích Phượng (giống như Dương Quý Phi tư thông với An Lộc Sơn). Vậy đem Nương Nương mà ví với Phi Yến là chê bai chớ không ca ngợi".
Dương Quý Phi chột ý sinh giận Lý Bạch nên tâu với vua không dùng họ Lý nữa. Biết vậy, Lý Bạch cáo về, vua không cho. Thời gian ở lại trong triều ông chỉ làm bạn với 7 người trong đó Hạ Tri Chương, Lý Thích Chi ... người đời thường gọi là TÁM ÔNG TIÊN RƯỢU. Vua biết ý nên cho ông về và ban một thẻ bài bằng vàng ghi câu : "Lý Bạch đến đâu, cần tiền rượu thì được phép vào kho ở đó mà lãnh" Và nhiều vàng bạc, phẩm vật quí giá khác. Ông lạy tạ vua ra đi. Các bạn đaiõ tiệc ông ba ngày và tiễn chân ông hơn trăm dặm mới trở lại.
Lý Bạch mặc áo gấm hồng, đầu đội mũ sa đen, cưỡi ngựa trắng trở về quê nhà ở Tứ Xuyên. Phu nhân Hứa thị và các quan sở tại ra đón. Lưu lại quê nhà độ nửa năm thì lại cưỡi lừa ra đi tiêu dao. Khi đến huyện Hoa Âm, nghe nói quan huyện là kẻ tham nhũng, ông giả làm học trò qua lại cửa huyện, bị lính bắt giam. Lúc bị hỏi cung, Lý Bạch khai rằng :
-Tôi là Lý Bạch quê ở Cẩm Châu, văn chương quỷ thần kinh sợ, hội Bát Tiên chốn Trường An, dịch phiên thư nơi đế điện. Xe Ngọc liễn có khi đón rước, điện Kim Loan thường vẫn ngủ đêm. Đã từng được vua bưng yến cho ân và lấy khăn lau miệng. Dương Thái Sư phải mài mực, Cao Thái úy phải cổi giày. Khi vào cung được cưỡi ngựa, nay qua huyện sao phải xuống lừa. Muốn biết lý lịch của ta, hãy xem Kim bài sẽ rõ.
Quan huyện biết chuyện, vội vàng đến lạy xin tha tội. Lý Bạch rộng lượng tha thứ. Tin ấy đồn khắp mọi nơi. Người ta cho rằng Lý Bạch được vua mật phái đi thanh tra. Cho nên các quan bỏ thói tham nhũng.
Khi An Lộc Sơn nổi loạn, vua chạy vào ba Thục, Hoàng thân Vĩnh Vương Lân lấy Trường An, tự xưng Hoàng đế và triệu Lý Bạch ra giúp sức. Sau con trưởng Đường Minh Hoàng nối ngôi cha, sai Quách Tử Nghi đánh vĩnh Vương Lân, Lân tự tử. Lý Bạch chạy đến bến Tầm Dương thì bị bắt nộp cho Quách Tử Nghi. Nghi trông thấy vội vàng cởi trói, mời ngồi rồi sụp lạy tạ ơn cứu mạng trước kia. Đồng thời, Nghi thảo tờ sớ dâng về triều xin tha tội cho Lý Bạch. Vua Túc Tôn cho Lý Bạch làm tả thập dai nhưng ông từ chối.
Sau đó, Lý Bạch từ biệt Quách Tử Nghi lênh đênh trên sông nước với bầu rượu túi thơ. Một đêm, thuyền đậu trên bến Thái Thạch, thuộc Kim Lăng, trăng sáng vằng vặc, Lý Bạch ngồi trước mũi thuyền uống rượu thật say. Trên trời có tiếng đàn vang dội, dưới sông lấp lánh ánh trăng có cá kình nổi lên, Lý Bạch nhảy xuống nước cưỡi cá mà ra biển khơi.
Tại bến Thái Thạch có lập ngôi thờ gọi là Đền LÝ TRÍCH TIÊN.
  II/- ẢNH HƯỞNG TƯ TƯỞNG THI THƠ CỦA LÝ BẠCH
Tiểu sử trên viết theo tiền thân của Lý bạch. Đức Cao Đài đã phong cho Ngài làm Nhứt Trấn trong Tam Trấn (cùng với Quan Âm và Quan Thánh) kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Vậy, Ngài là vị Giáo Tông đầu tiên của Đạo Cao Đài, sau khi Ngài Ngô Minh Chiêu kiên định đi theo đường lối Tu Chơn.
Vào Noel năm 1925, Ngài giáng cơ xác nhận thân thế và ý chí của Ngài như sau :
    Đường trào hạ thế hưởng tam quan,
     Chẳng vị công danh chỉ hưởng nhàn. 
    Ly rượu trăm thi đời vẫn nhắc, 
    Tánh Tiên muôn kiếp vốn chưa tàn. 
    Một bầu phong nguyệt say ngơ ngác,
     Đầy túi thơ văn để chứa chan. 
    Bồng đảo còn mơ khi múa bút, 
    Tả lòng thế sự vẽ giang san.
Hầu hết những bài thi trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển đều làm theo thể Đường luật : Tứ tuyệt, Bát cú hay Thập thủ liên hoàn. Những Đạo hữu đọc Thánh thi lâu dần thành thói quen, rồi thuộc âm điệu, từng bước làm thơ rồi từng nhóm làm thi xướng họa kiểu người xưa. Trước yêu cầu hiện thực và bức thiết đó, năm 1950, ông Cao Đức Trọng tự Huyền Quang, Chánh Đức đứng ra thành lập ĐẠO ĐỨC VĂN ĐÀN, tập hợp các bạn thơ trong Đạo. Chẳng bao lâu ông liễu đạo.
Đến năm 1957, nhà thơ Thuần Đức tức Nguyễn Trung Hậu phục hồi Đạo Đức văn Đàn. Ông làm Trưởng Ban và ông Huỳnh Văn Đến tự Thông Quang làm Phó ban. Vì tuổi già sức yếu, nhà thơ Thuần Đức về Sài Gòn dưỡng bịnh.
Sau đó, họp đại hội bầu Thân Dân, tức Trương Hữu Đức làm cố vấn Đạo Đức Văn Đàn và Thông Quang làm Trưởng ban, Phạm Mộc Bổn làm Phó Ban. Nhà thơ Thông Quang tập hợp các bài thơ hay in thành hai tập, tên gọi VĂN THI HIỆP TUYỂN, Đạo Đức Văn Đàn có thăng có trầm nhưng vẫn sống trong lòng những người yêu thơ Đường !
Ảnh hưởng thi thơ của Lý Bạch không chỉ trong Đạo mà cả trong nước và ngoài nước nữa. Các nhà thơ đời Tống như Tô Đông Pha, Lục Du... Ở Pháp, Gauthier, Beaudelaire là những người rất mực ca ngợi Lý Bạch. Ở Việt Nam, nhà thơ ảnh hưởng Lý Bạch sâu sắc nhất là Đặng Trần Côn. Nhất là bài TƯƠNG TIẾN TỬU của Lý Bạch ai mà không biết, Bài "Ngán đời" của Cao Bá Quát ảnh hưởng rõ nét hơn cả : "Gõ nhịp đọc mấy câu Tương Tiến Tửu".
Thiên nhiên vốn là đề tài đặc hữu của thơ Đường. Nó có địa vị nổi bật trong thơ Lý Bạch như : Đường đi Thục khó, Nhìn thác nước Lư Sơn, Sáng ra đi từ thành Bạch Đế :
    Sáng từ Bạch Đế giữa ngàn mây, Muôn dặm Giang Lăng tới một ngày. Tiếng vượn đôi bờ kêu không dứt, Ngàn non thuyền nhẹ đã qua ngay.
"Trong thơ Lý Bạch luôn xuất hiện bóng trăng. "Trăng" trong thơ ông có một ý nghĩa quan trọng là tượng trưng cho một cái gì đẹp, trong sáng mà nhà thơ hằng vươn tới. (1)
"Lý Bạch vốn sớm chịu ảnh hưởng của học thuyết Lão Trang, đạo giáo và tư tưởng du hiệp. Sự va chạm với hiện thực càng làm cho nhà thơ say mê những điều đó... Trong học thuyết Lão Trang cũng như Đạo giáo, có một ít nhân tố mà kẻ sĩ ngày xưa thường lợi dụng để tỏ sự bất mãn của mình : Chủ trương sống tự do và thuận theo thiên nhiên, sự coi thường công danh phú quý, coi thường luật pháp khắc khe". <2>
Tư tưởng du hiệp của Lý Bạch đã tạo nên một thế quân bình giữa đạo Nho và Lão " vừa thỏa mãn yêu cầu nhập thế của Đạo Nho, vừa thỏa mãn yêu cầu phóng khoáng của Đạo Lão. Thế nên, Lý Bạch trở nên vị Giáo Tông của Đạo Cao Đài vừa nhập thế (phổ độ) vừa xuất thế (vô vi) là điều thuận lý.
"Trong nhiều tác phẩm của Lý Bạch, đặc biệt là những tác phẩm có quan hệ đến việc uống rượu, cầu tiên. Tinh thần lãng mạng tích cực của ông luôn luôn che khuất nhân tố tiêu cực và bắn ra những tia tư tưởng đem sức cổ vũ lại cho chúng ta" (3)
Tiêu biểu cho hai khía cạnh uống rượu và cầu tiên là những bài thơ Tương Tiến tửu, Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt, Tây thượng Liên Hoa sơn (4). Bài Tương tiến Tửu, nội dung tư tưởng khá phức tạp. Trước tiên là một triết lý về đời người. Lý Bạch thấy rõ muôn vật trong đời đều biến hóa không ngừng. Thời thanh xuân con người cũng vì đó mà trôi nhanh và không bao giờ trở lại. Lý Bạch viết : "Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi !". Nghĩa là : nước sông Hoàng từ trời rơi xuống, chảy nhanh ra bể chẳng quay về. Đó là nhà thơ thừa kế tư tưởng Lão Trang.
Tóm lại, nghiên cứu tổng thể Thánh Ngôn của Đức Lý và tiểu sử của Ngài, ta thấy toát lên hai khía cạnh tư tưởng xuất thế và nhập thế lẫn lộn. Cuộc sống ảnh hưởng Lão Trang, còn xử thế Ngài ảnh hưởng Nho gia, đôi lúc trừng trị kẻ xảo quyệt. Vì vậy, do nhu cầu của hoàn cảnh, do ý nguyện của nhân sanh vừa phổ độ (nhập thế) vừa vô vi (xuất thế), Đức Chí Tôn đã phán truyền cho Đức Lý Thái Bạch Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Đạo Cao Đài không phân biệt phe phái nào. Thật là một quyết định vô cùng sáng suốt, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tôn giáo.
Những điều trên còn cho ta thấy, Ngôi Giáo Tông của Đạo Cao Đài thể hiện "Thiên Nhân hợp nhất". Đức Lý là vô vi (hồn), Ngài Lê là hữu hình (xác). Tổng hợp lại âm dương tương hiệp. Vô vi và phổ độ song hành trên con đường hoằng khai Đại Đạo. Hai mặt bổ túc cho nhau, giải thích cho nhau vì chung mối Đạo Trời. 

GS. TRẦN VĂN RẠNG
Cao Học Sử