"Http://CaoDaiTN.BlogSpot.Com - Http://NguyenNha.Vnweblogs.Com

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Làm lành lánh dữ -Trau-giồi đức hạnh (PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐẠO}

PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐẠO

GIỮ ĐẠO

1. Làm lành lánh dữ

Có người thuở nay không làm điều chi bất nhơn thất đức, cứ một lòng ở thật ăn ngay; như vậy có đủ gọi là làm lành lánh dữ không? Không đâu. Người ấy chỉ biết có lánh dữ mà thôi, nghĩa là chỉ có biết giữ mực công bình (1) của nhơn loại vậy thôi, chớ chưa có chi gọi là làm lành.
Muốn trọn hai chữ làm lành, phải cứu nhân độ thế. Kinh Phật dạy cứu nhân độ thế mà không giải rành là sao, thành ra nhiều vị tu hành không để ý đến, chỉ biết có một phép từ bi thanh tịnh là gốc.
Sao gọi là cứu nhân độ thế? Cứu nhân độ thế là cứu cấp những người đương hồi khốn cùng, hoạn nạn; ai đói mình cho ăn, ai khát mình cho uống, ai đau mình giúp thuốc, ai thác mình thí hòm, ai lạc nẻo mình chỉ đường, ai buồn rầu mình an ủi, ai kiện thưa tranh-đấu mình kiếm chước giải-hòa; bắt cầu bồi lộ cho hành khách tiện bề qua lại; in thí kinh điển, thiên thơ cho mọi người coi theo hầu cải tà qui chánh, vân vân... Vậy mới gọi là cứu nhân độ thế, song chẳng nên bất cập mà cũng đừng cho thái quá. Bất cập là khi nào mình giúp người không trọn, có trước không sau, làm cho người sau rồi cũng phải khốn cùng, hoạn-nạn như trước vậy. Thái quá là đụng ai giúp nấy, không xét coi kẻ ấy đáng giúp hay chăng, vì ở đời lắm người giả dối, quanh năm chỉ ỷ lại nơi người nhơn thiện mà no cơm ấm áo. Giúp đỡ cho những kẻ ấy tức là giúp cho họ dễ bề làm biếng, tiện thế ở không, tức là chưởng ác cho họ vậy. Vả lại, cứu nhơn độ thế phải tùy dươn tùy sức mới đặng; giàu cứu độ theo phận giàu, nghèo cứu độ theo phận nghèo; theo lời giải trước kia, cứu nhơn độ thế có nhiều cách; có của thí của, không của thí công; của công ví đặng thiệt lòng, cân lại cũng đồng âm-chất.

2. Trau-giồi đức hạnh

Người giữ Đạo không những làm lành lánh dữ là đủ, lại còn phải trau-giồi đức-hạnh thì nhơn cách mới hoàn toàn. Đức-hạnh là điều cần nhứt của bực tu hành. Thành Tiên, thành Phật cũng nhờ đức-hạnh, vì thuở nay chưa từng nghe có Tiên Phật nào mà không hoàn toàn đức-hạnh. Thái-Thượng khuyên lập đức, Khổng-Thánh dạy tu thân, lập đức tu thân là căn-bổn của Tôn-Giáo. Muốn vẹn bề đức-hạnh, ngoài ra đạo Tam-Cang Ngũ-Thường (1) ta lại cần phải giữ sao cho đặng khiêm-nhượng, nhẫn-nại, thuận-hòa, kiên-tâm, thanh-liêm, thì mới gọi là khắc-kỷ (2), mới gấm-ghé đặng phẩm-vị Thần Tiên vậy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét