"Http://CaoDaiTN.BlogSpot.Com - Http://NguyenNha.Vnweblogs.Com

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

PHẢI XEM KINH SÁCH THẾ NÀO?

Kinh sách vẫn do nơi các Ngài rõ thông đạo-lý soạn ra, song các bực ấy vốn cũng người phàm như mình (1) nên cũng có chỗ sai lầm sơ sót; vì vậy mà kinh sách tự nơi mấy vị ấy soạn ra cũng có chỗ khuyết điểm sai lầm. Vả lại kinh sách làm ra phải hạp thời tùy thế. Có nhiều quyển kinh xưa sách cũ đối với đời trước thì rất hạp thời, mà đối với đời nay lại có lắm điều không hạp. (Tác-giả không trưng bằng cớ ra đây là không muốn kích bác đến kinh sách nào cả).
Vậy nên, muốn đọc kinh sách nào cho được bổ ích, là cần biết suy nghĩ nghiên-cứu, khoản nào chánh lý để lòng, đoạn nào mơ-hồ chớ nên tin vội, chỗ nào hạp theo thời thế thì nghe, khoản nào nghịch với tôn-chỉ mình thời bỏ. Chẳng nên quá tin nơi kinh sách, chớ nên tưởng rằng kinh sách của Thánh-Hiền làm ra cả thảy, nên dạy sao phải nghe nấy; đọc sách như vậy thì nguy hiểm đó. Kinh sách có chỗ đáng tin mà có chỗ cũng không nên tin vậy; nếu tin hết thì phải lầm lạc; đọc kinh sách mà không biết phân biệt điều nào hữu lý, điều nào phi lý, đọc kinh sách mà trí-thức không biết mở-mang, tư-tưởng không biết dò lượng thành ra đã tổn công vô ích lại còn làm nô-lệ cho kinh sách nữa; như vậy thà là đừng đọc là hơn. Sách có câu: "Tận tín thơ bất như vô thơ". Nghĩa là : "Tin hết sách chẳng bằng đọc được sách". (*)
Thuở nay nhiều người quá tin nơi kinh sách điển xưa, cứ nhắm mắt tin theo từng chữ, nghe từng câu, rồi hiểu sái, tin lầm, khổ tâm luyện Đạo. Than ôi! Đã không ấn-chứng, thì chớ lại còn hại đến tinh-thần là khác. Ấy vậy, xem kinh sách để rõ thông đạo-lý thì nên, chớ do theo đó mà luyện Đạo thì nguy lắm, vì hễ hiểu lầm một mảy thì cũng đủ hại cho châu thân.
Muốn luyện Đạo cho ấn-chứng, trước hết ta cần phải tu âm-chất và lập công bồi đức cho đủ đầy; đến khi công viên quả mãn rồi, một câu tâm-pháp chơn-truyền của Thầy ta là Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế cũng đủ cho ta hiểu Đạo. Vả lại Đức Thượng-Đế có dạy rằng: "Kinh điển giúp đời siêu phàm nhập Thánh chẳng khác chi đũa ăn cơm. Chẳng có nó kẻ ăn cơm bốc tay cũng ăn đặng". Ý Đấng Chí-Tôn muốn nói như vầy: "Kinh điển tỉ như đủa, luyện Đạo tỉ như ăn cơm. Người đủ âm-chất, đạo-đức mà rõ thông kinh điển, thì luyện Đạo rất giản tiện, tỷ như người ăn cơm có đũa vậy. Còn người có đủ âm-chất, đạo-đức mà không rõ thông kinh điển đi nữa bất quá luyện Đạo khó một chút vậy thôi, thế nào luyện cũng thành đặng, tỷ như kẻ ăn cơm, dầu không đũa, bốc ăn cũng xong vậy".
Tóm lại, vào cửa Đạo rồi bất kỳ kinh xưa sách nay, thảy đều nên xem cho biết, song cần phải xét suy chiêm nghiệm, phân biệt giả chơn thì đọc mới là bổ ích ./.
(1) Xin chớ lầm tưởng rằng kinh điển xưa vẫn là của Thánh Tiên làm ra hết; dầu cho thiệt của Thánh Tiên đi nữa, cho lúc soạn ra kinh điển ấy, các Ngài cũng vẫn còn phàm, thì tất phải còn lầm lạc.
(*) Phụ ghi:
Chúng tôi nghĩ câu trên có thể là "Tin hết sách chẳng bằng không đọc sách".

1 nhận xét:

  1. Đúng là lời Đức Ngài chẳng sai . Đọc sách là truy cầu cái lý nơi sách ,suy gẫm cho kỷ trứoc khi hành theo ,xem sách mà để sách chuyển mình thì sao nhỉ ?

    Trả lờiXóa