"Http://CaoDaiTN.BlogSpot.Com - Http://NguyenNha.Vnweblogs.Com

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH -thời- ĐẠI ÂN XÁ

Đại Ân Xá là gì ?

Đại Ân Xá hay Đại Xá là Đức Chí Tôn ban ơn huệ lớn lao bằng cách tha thứ tội lỗi cho những kẻ có tội.
Kể từ ngày khai ĐĐTKPĐ, tức là khai Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn mở ra một thời kỳ Đại Ân Xá cho các đẳng linh hồn trong càn khôn thế giới và cho toàn cả chúng sanh, để chúng sanh tu hành dễ bề đắc đạo. Cho nên ĐĐTKPĐ cũng được gọi là Đại Ân Xá Kỳ Ba.
Muốn hưởng được sự ân xá nầy, mỗi người phải biết thành tâm hối lỗi, ăn năn sám hối tội tình, cải tà qui chánh, lập lời Minh Thệ, nhứt quyết  tu hành, lập công bồi đức. Những tội lỗi của họ đã chồng chất từ nhiều kiếp trước được Ơn Trên cất giữ lại (không đem ra trừng phạt) và cho họ làm một tân dân (người dân mới) trong cửa Đạo, nhờ vậy người nhập môn hành đạo rảnh nợ tiền khiên, chỉ lo trau giồi Đạo hạnh, lập công bồi đức, để sau cùng lấy công đức trừ dứt tội tình, thì có thể đắc đạo trong một kiếp tu.
Ngày khai Đạo Cao Đài là ngày 15-10-Bính Dần (1926) là ngày khởi đầu thời Đại Ân Xá Kỳ Ba.
Đức Chí Tôn ban cho nhơn loại các đặc ân sau đây :
1. Tha thứ tội lỗi ở các kiếp trước của những người biết hồi đầu hướng thiện, nhập môn cầu đạo, lập Minh Thệ với Đức Chí Tôn, nhứt tâm tu hành. Cho nên trong Kinh Giải Oan (KGO) và Kinh Cầu Bà con Thân bằng Cố hữu đã qui liễu (KCBCTBCHĐQL) có các câu sau đây :
     May đặng gặp hồng ân chan rưới,
     Giải trái oan sạch tội tiền khiên. (KGO)
     Chí Tôn xá tội giải oan,
     Thánh, Thần, Tiên, Phật cứu nàn độ căn.
     Ơn Tạo hóa tha tiền khiên trước,
     Đưa linh phan tiếp rước nguyên nhân.
    (KCBCTBCHĐQL)
2. Đức Chí Tôn đặc ân cho các tín đồ Cao Đài, khi chết, linh hồn được Cửu vị Tiên Nương hướng dẫn đi lên 9 từng Trời của Cửu Trùng Thiên, mỗi nơi đều được quan sát các cảnh Trời đẹp đẽ mà dưới thế gian không bao giờ có, đến bái kiến các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật, đến Minh Cảnh Đài để xem xét tất cả hành vi thiện ác của mình đã gây ra trong suốt kiếp sống nơi cõi trần, đến DTC ở từng Trời Tạo Hóa Thiên để bái kiến Đức Phật Mẫu, rồi tiếp tục đi lên Ngọc Hư Cung bái kiến Đức Chí Tôn để cây Cân công bình thiêng liêng của Tòa Tam Giáo cân tội phước.
Phước nhiều thì được phong thưởng bằng phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật tương xứng. Nếu tội nhiều thì bị đưa đến cõi Âm Quang, vô Tịnh Tâm Xá mà định tâm tịnh trí xét mình, cầu nguyện Đức Chí Tôn độ rỗi. Tại đây có Thất Nương DTC giáo hóa các nữ tội hồn và Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các nam tội hồn.
3. Đức Chí Tôn cho đóng cửa Địa ngục. Các tội hồn không còn bị hành hình thảm khốc nơi Địa ngục như trước nữa, mà được đưa đến cõi Âm Quang để học Đạo, cầu khẩn Đức Chí Tôn cứu rỗi, chờ ngày tái kiếp trở lại cõi trần để trả cho xong nghiệp quả.
4. Đức Chí Tôn cho mở cửa Cực Lạc Thế Giới để rước những người đầy đủ công đức đắc đạo. Nếu người nào quyết chí tu hành, chỉ trong một kiếp tu cũng có thể đắc đạo. “ Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại trong càn khôn thế giới, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng.” 
       Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên,
   Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương. (KGO)
5. Những người bị tội Tận đọa Tam đồ bất năng thoát tục được ân xá, những người bị tội Ngũ Lôi tru diệt, cũng nhờ Đại Ân Xá nầy mà được Đức Phật Mẫu huờn lại chơn thần, tất cả đều đặng tái kiếp lập công chuộc tội.
Thời kỳ Đại Ân Xá không phải kéo dài đến thất ức niên (700 000 năm) mà chỉ được giới hạn trong khoảng thời gian từ ngày Khai Đạo cho đến khi Đức Di-Lạc Vương Phật mở Đại Hội Long Hoa là chấm dứt, vì đã bước vào một thời kỳ tiến hóa khác của nhơn loại.
Chúng ta hôm nay gặp Đạo Cao Đài, được làm môn đệ của Thượng Đế, là một duyên may ngàn năm một thuở, nếu không mau mau bước chân vào cửa Đạo lo việc tu hành, lập công bồi đức, cứ để dần dà ngày tháng trôi qua, có mong chi đắc đạo  trở về ngôi vị cũ.

Hai giai đoạn tu hành
Trong công việc tu hành, phải trải qua 2 giai đoạn:
-  Giai đoạn làm công quả.
-  Giai đoạn luyện đạo.

PHẢI XEM KINH SÁCH THẾ NÀO?

Kinh sách vẫn do nơi các Ngài rõ thông đạo-lý soạn ra, song các bực ấy vốn cũng người phàm như mình (1) nên cũng có chỗ sai lầm sơ sót; vì vậy mà kinh sách tự nơi mấy vị ấy soạn ra cũng có chỗ khuyết điểm sai lầm. Vả lại kinh sách làm ra phải hạp thời tùy thế. Có nhiều quyển kinh xưa sách cũ đối với đời trước thì rất hạp thời, mà đối với đời nay lại có lắm điều không hạp. (Tác-giả không trưng bằng cớ ra đây là không muốn kích bác đến kinh sách nào cả).
Vậy nên, muốn đọc kinh sách nào cho được bổ ích, là cần biết suy nghĩ nghiên-cứu, khoản nào chánh lý để lòng, đoạn nào mơ-hồ chớ nên tin vội, chỗ nào hạp theo thời thế thì nghe, khoản nào nghịch với tôn-chỉ mình thời bỏ. Chẳng nên quá tin nơi kinh sách, chớ nên tưởng rằng kinh sách của Thánh-Hiền làm ra cả thảy, nên dạy sao phải nghe nấy; đọc sách như vậy thì nguy hiểm đó. Kinh sách có chỗ đáng tin mà có chỗ cũng không nên tin vậy; nếu tin hết thì phải lầm lạc; đọc kinh sách mà không biết phân biệt điều nào hữu lý, điều nào phi lý, đọc kinh sách mà trí-thức không biết mở-mang, tư-tưởng không biết dò lượng thành ra đã tổn công vô ích lại còn làm nô-lệ cho kinh sách nữa; như vậy thà là đừng đọc là hơn. Sách có câu: "Tận tín thơ bất như vô thơ". Nghĩa là : "Tin hết sách chẳng bằng đọc được sách". (*)
Thuở nay nhiều người quá tin nơi kinh sách điển xưa, cứ nhắm mắt tin theo từng chữ, nghe từng câu, rồi hiểu sái, tin lầm, khổ tâm luyện Đạo. Than ôi! Đã không ấn-chứng, thì chớ lại còn hại đến tinh-thần là khác. Ấy vậy, xem kinh sách để rõ thông đạo-lý thì nên, chớ do theo đó mà luyện Đạo thì nguy lắm, vì hễ hiểu lầm một mảy thì cũng đủ hại cho châu thân.
Muốn luyện Đạo cho ấn-chứng, trước hết ta cần phải tu âm-chất và lập công bồi đức cho đủ đầy; đến khi công viên quả mãn rồi, một câu tâm-pháp chơn-truyền của Thầy ta là Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế cũng đủ cho ta hiểu Đạo. Vả lại Đức Thượng-Đế có dạy rằng: "Kinh điển giúp đời siêu phàm nhập Thánh chẳng khác chi đũa ăn cơm. Chẳng có nó kẻ ăn cơm bốc tay cũng ăn đặng". Ý Đấng Chí-Tôn muốn nói như vầy: "Kinh điển tỉ như đủa, luyện Đạo tỉ như ăn cơm. Người đủ âm-chất, đạo-đức mà rõ thông kinh điển, thì luyện Đạo rất giản tiện, tỷ như người ăn cơm có đũa vậy. Còn người có đủ âm-chất, đạo-đức mà không rõ thông kinh điển đi nữa bất quá luyện Đạo khó một chút vậy thôi, thế nào luyện cũng thành đặng, tỷ như kẻ ăn cơm, dầu không đũa, bốc ăn cũng xong vậy".
Tóm lại, vào cửa Đạo rồi bất kỳ kinh xưa sách nay, thảy đều nên xem cho biết, song cần phải xét suy chiêm nghiệm, phân biệt giả chơn thì đọc mới là bổ ích ./.
(1) Xin chớ lầm tưởng rằng kinh điển xưa vẫn là của Thánh Tiên làm ra hết; dầu cho thiệt của Thánh Tiên đi nữa, cho lúc soạn ra kinh điển ấy, các Ngài cũng vẫn còn phàm, thì tất phải còn lầm lạc.
(*) Phụ ghi:
Chúng tôi nghĩ câu trên có thể là "Tin hết sách chẳng bằng không đọc sách".

NGƯỜI TRONG ĐẠO PHẢI ĐỐI ĐÃI NHAU THẾ NÀO?

Ở đời, người ta cần phải giao tiếp (1) với nhau; đối với chư Đạo-Hữu, sự giao tiếp ta lại có cái tình liên-lạc chí thành, cái nghĩa tương thân chí thiết. Giao tiếp mà chi? Là để dìu-dắt nhau, nâng đỡ nhau trong đường Đạo và đường Đời, anh lớn chỉ biểu cho em nhỏ, người rõ đạo bày vẽ cho kẻ chưa thông; người nầy lầm lỗi kẻ kia chỉ giùm; dưới vui tuân lệnh trên dạy; trên không hổ cho dưới bày; lấy lẽ hòa nhau, trên khiêm dưới kỉnh; vui-vẻ chung nhau, buồn thảm sớt nhau, giao lưng đâu cật mà bồi đấp mối Đạo Trời cho rõ là con một cha, chung thờ một chủ nghĩa.
Đấng Chí-Tôn có giáng cơ dạy như vầy:
" Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
" Cùng nhau một Đạo, tức cùng Cha.
" Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
" Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.
Trong đường giao thiệp, ta cần phải lấy hết tấm lòng bác-ái (2), đem hết tất dạ chí thành (3), mà đối-đãi nhau, thì đạo-tâm ta mới biểu lộ ra cái gương chân chánh.
Đồng Đạo mà chẳng biết thương nhau, chẳng vãng lai thù tạc nhau, cứ nhà ai nấy ở, ai khôn dại mặc ai, ai hoạn nạn thây ai, bo bo cứ giữ câu "Độc thiện kỳ thân" (4) thì trái hẳn với chủ-nghĩa Đại-Đồng (5) của Đạo Trời lắm đó.

1. Tín-Đồ

Đứng vào hàng Tín-Đồ, cần phải kính tuân chư chức-sắc Thiên-Phong, vì chư Thiên-Phong là người đã thọ lãnh nơi Thượng-Đế một cái thiên-chức đặc-biệt để thông truyền chánh giáo; người vẫn có cái quyền sai khiến chư Tín-Đồ về việc phải trong Đạo. Dầu bậc Thiên-Phong mà tài sơ tuổi nhỏ hơn mình đi nữa, hàng Tín-Đồ cũng chẳng nên hổ mình tùng sự, hoặc là vượt bực khinh khi ganh-gổ, vượt bực khinh khi ganh-gổ tức là buộc vào mình cái tội vi lịnh cùng Thượng-Đế vậy.
Vả lại, chức-sắc Thiên-Phong chỉ có cái giới hạn trong khi hành sự mà thôi, ngoài ra toàn là người đồng đạo với nhau, tức là Đạo-hữu với nhau vậy.

2. Chức-sắc

Đối với hàng Tín-Đồ, chư chức-sắc Thiên-Phong cần phải có cái hạnh khiêm-cung từ nhượng; phải dùng lời dịu ngọt mà dạy-dỗ kẻ dưới quyền mình; phải lấy nét ôn hòa mình điều độ nhau; phải chỗ khiến thì khiến; không phải việc sai chớ nên sai, đừng làm điều chi quá phận sự mà ra lẽ chuyên quyền. Chẳng nên tự cao, tự phụ; mình may nhờ tiền căn cựu-phẩm hoặc là công cả quả dày nên mới được chức Thiên-Phong, biết đâu trong hàng Tín-Đồ lại không có lắm người tài cao đức trọng hơn mình?
Chư Chức-sắc và chư Tín-Đồ mà đối đãi nhau cho có thái-độ ôn-hòa thảo-thuận thì trên không chinh, dưới không mích, ấy là một lễ hiến cho Đấng Chí-Tôn rất long trọng đó vậy.
(1) Giao-tiếp là lân-la lai vãng cùng nhau.
(2) Lòng bác-ái là lòng đại từ-bi thương xót sanh linh hơn thân mình.
(3) Chí-thành là mỗi việc đều lấy lòng thành-thật mà đối đãi nhau trong đường Đạo và đường đời.
(4) Độc thiện kỳ thân là lo cho một mình mình lành mà thôi.
(5) Đại-đồng là cả thảy nhân-loại đồng một thể với nhau (Grande Unité humaine).

Làm lành lánh dữ -Trau-giồi đức hạnh (PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐẠO}

PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐẠO

GIỮ ĐẠO

1. Làm lành lánh dữ

Có người thuở nay không làm điều chi bất nhơn thất đức, cứ một lòng ở thật ăn ngay; như vậy có đủ gọi là làm lành lánh dữ không? Không đâu. Người ấy chỉ biết có lánh dữ mà thôi, nghĩa là chỉ có biết giữ mực công bình (1) của nhơn loại vậy thôi, chớ chưa có chi gọi là làm lành.
Muốn trọn hai chữ làm lành, phải cứu nhân độ thế. Kinh Phật dạy cứu nhân độ thế mà không giải rành là sao, thành ra nhiều vị tu hành không để ý đến, chỉ biết có một phép từ bi thanh tịnh là gốc.
Sao gọi là cứu nhân độ thế? Cứu nhân độ thế là cứu cấp những người đương hồi khốn cùng, hoạn nạn; ai đói mình cho ăn, ai khát mình cho uống, ai đau mình giúp thuốc, ai thác mình thí hòm, ai lạc nẻo mình chỉ đường, ai buồn rầu mình an ủi, ai kiện thưa tranh-đấu mình kiếm chước giải-hòa; bắt cầu bồi lộ cho hành khách tiện bề qua lại; in thí kinh điển, thiên thơ cho mọi người coi theo hầu cải tà qui chánh, vân vân... Vậy mới gọi là cứu nhân độ thế, song chẳng nên bất cập mà cũng đừng cho thái quá. Bất cập là khi nào mình giúp người không trọn, có trước không sau, làm cho người sau rồi cũng phải khốn cùng, hoạn-nạn như trước vậy. Thái quá là đụng ai giúp nấy, không xét coi kẻ ấy đáng giúp hay chăng, vì ở đời lắm người giả dối, quanh năm chỉ ỷ lại nơi người nhơn thiện mà no cơm ấm áo. Giúp đỡ cho những kẻ ấy tức là giúp cho họ dễ bề làm biếng, tiện thế ở không, tức là chưởng ác cho họ vậy. Vả lại, cứu nhơn độ thế phải tùy dươn tùy sức mới đặng; giàu cứu độ theo phận giàu, nghèo cứu độ theo phận nghèo; theo lời giải trước kia, cứu nhơn độ thế có nhiều cách; có của thí của, không của thí công; của công ví đặng thiệt lòng, cân lại cũng đồng âm-chất.

2. Trau-giồi đức hạnh

Người giữ Đạo không những làm lành lánh dữ là đủ, lại còn phải trau-giồi đức-hạnh thì nhơn cách mới hoàn toàn. Đức-hạnh là điều cần nhứt của bực tu hành. Thành Tiên, thành Phật cũng nhờ đức-hạnh, vì thuở nay chưa từng nghe có Tiên Phật nào mà không hoàn toàn đức-hạnh. Thái-Thượng khuyên lập đức, Khổng-Thánh dạy tu thân, lập đức tu thân là căn-bổn của Tôn-Giáo. Muốn vẹn bề đức-hạnh, ngoài ra đạo Tam-Cang Ngũ-Thường (1) ta lại cần phải giữ sao cho đặng khiêm-nhượng, nhẫn-nại, thuận-hòa, kiên-tâm, thanh-liêm, thì mới gọi là khắc-kỷ (2), mới gấm-ghé đặng phẩm-vị Thần Tiên vậy.


Ðức Tin

Ðức Tin là cái làm sao,
Ðức Tin là cái đắp cao Ðạo Trời.
Ðức Tin chở núi như chơi,
Mới hay thần lực muôn người khó đương.
Ðức Tin bày rõ Thiên đường,
Phân rành Ðịa ngục đôi đường khác xa.
Ðức Tin gầy dựng Ðạo nhà,
Ðường ngay chỉ tới, nẻo tà chỉ dang.
Ðức Tin đánh đổ dị đoan,
Khỏi điều lãng phí tiền ngàn bạc muôn.
Ðức Tin kềm chế trẻ con,
Giữ gìn Thánh chất, linh hồn sạch trong.
Ðức Tin quí hóa vô cùng,
Ai ơi ghi tạc vào lòng đừng sai.
Ðức Tin chớ để long lay,
Một phen lâm vấp, ngàn ngày ăn năn.
Mồng 8 tháng Chạp năm Ðinh Mão
THUẦN ÐỨC